Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến cách kiểm tra đàn piano cũ. Tuy nhiên, vì chất lượng đàn cũ rất khó để đánh giá chính xác, nên thông tin trong bài viết chỉ nhằm hỗ trợ các bạn phần nào khi đi mua đàn. Cách tốt nhất là bạn nên nhờ một người am hiểu về đàn piano (ví dụ như một kĩ thuật viên piano) hoặc tìm một địa chỉ đáng tin cậy để mua đàn.
Cách kiểm tra đàn piano cũ còn tốt hay không
Một số chi tiết ban đầu mà bạn cần quan sát
Số serial
Một chiếc đàn piano cũ có thế được tu sửa lại hoặc thay mới nhiều bộ phận nhưng rất khó có thể thay đổi số serial trên thân đàn. Nếu không thể tìm thấy số serial, bạn hãy yêu cầu người bán đàn cung cấp giấy tờ nhập khẩu và giấy tờ liên quan đến đàn.
Nước sơn
Nếu cây đàn quá cũ, nước sơn bị phai màu nhiều, người bán đàn có thể sơn lại để nhìn mới hơn. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm tra xem cây đàn có bị tước sơn không bằng cách: quan sát các cạnh của đàn, các mặt cắt và điểm kết nối. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra nước sơn mới phủ lên nước sơn cũ. Cũng có thể dựa vào ánh sáng để nhận biết màu sơn, nếu là sơn nguyên thủy thì màu sáng bóng nhưng màu sơn mới thì không có độ bóng như đàn dùng lâu năm.
Phím đàn
Nếu thấy các phím đàn có dấu hiệu bị ố vàng, bị sứt hoặc phím bị giòn xốp thì chứng tỏ nó không được bảo quản tốt. Nếu các dấu hiệu thiệt hại trên phím đàn trầm trọng hơn, hãy bỏ qua cây đàn đó.
Nấm mốc hoặc dấu hiệu của côn trùng
Nếu phát hiện ra bất kì dấu hiệu nào của nấm mốc như: hơi mốc, vết nấm mốc trên đàn hoặc thùng đàn thì bạn không nên mua chiếc đàn đó. Bởi nấm mốc rất khó để loại bỏ hoàn toàn , nhất là trên gỗ của đàn piano. Nếu đàn piano đã bị nấm mốc hay mối mọt thì nguy cơ hỏng hóc cao gấp nhiều lần.
Búa đàn
Mở nắp đàn piano và xem xét tình trạng của búa, xem nó có bị mòn hay đã bị thay thế bằng búa khác không. Kiểm tra xem số lượng búa đàn còn đầy đủ không? Búa có bị mòn quá không? Trong đàn có xuất hiện các hiện tượng sâu mọt không?
Bộ máy hoạt động của đàn
Mở nắp hộp đàn piano để kiểm tra các chi tiết máy. Nếu thấy trong thùng đàn hoặc trong bộ máy Piano có phân chuột, gián, mùn cưa, vết bong tróc…thì bạn hãy tránh xa chiếc đàn piano cũ đang xem. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn của hỏng hóc sau này.
Ngồi vào ghế và bắt đầu đánh giá chất lượng âm thanh và thiết kế
Độ nhạy của búa
Bạn hãy kiểm tra độ nhạy của búa và dây đàn bằng cách nhần vào phím đàn. Nếu khi kiểm tra thấy các phím của đàn piano cũ đó không bị chết âm hoặc bị kẹt âm thì chứng tỏ chất lượng búa đàn của cây đàn này còn dùng được.
Phía dưới của đàn piano:
Hãy ngồi xuống và xem xét phía dưới của đàn piano, nếu bạn phát hiện ra hiện tượng mối mọt, phân chuột hoặc vết gặm nhấm…thì hãy đặt vấn đề này vào các chú ý thiệt hại khi mua đàn piano điện cũ.
Bàn đạp
Về vấn đề này, bạn cần dựa vào kinh nghiệm và kĩ năng chơi đàn của chính mình. Nếu kĩ năng chơi đàn của bạn tương đối tốt, thì bạn hãy tự kiểm tra để chắc chắn rằng bàn đạp vẫn hoạt động tốt và đáp ứng được nhiều cơ chế cũng như kỹ thuật đạp khác nhau. Nếu không, bạn có thể nhờ người chơi đàn piano có kinh nghiệm kiểm tra hộ.
Thùng đàn
Nếu bạn kiểm tra thấy trong thùng đàn xuất hiện các vết nứt lớn hoặc các tổn thương nghiêm trọng như bong tróc, kết cấu bị biến dạng…. không như ban đầu, thì bạn không nên mua cây đàn piano cũ này. Một số cây đàn piano cũ vẫn có những vết nứt nhỏ ở thùng đàn, tuy nhiên những vết nứt nhỏ này bạn có thể bỏ qua nếu tất cả mọi chi tiết khác bạn kiểm tra đều tốt.
Dây hoặc các bộ phận kim loại
Khi xem đàn cũ, bạn hãy kiểm tra kĩ dây đàn và các chi tiết kim loại trong đàn. Nếu phát hiện rỉ sét, ẩm ướt hoặc hỏng hóc thì nên nói với cửa hàng để họ thay mới hoặc sửa chữa lại cho. Nguyên nhân có thể do các bộ phận quá cũ hoặc căn chỉnh lỏng. Các loại đàn piano sản xuất khoảng năm 1990 thì có các chi tiết kim loại bằng đồng nên ít bị han rỉ hơn, nhưng một số cây đàn trở lại đây thì lại được làm bằng sắt hoặc kim loại khác pha đồng nên hay bị han rỉ.
Âm thanh của đàn
Bạn hãy ngồi xuống và bắt đầu trực tiếp thử các giai điệu trên phím đàn piano. Khi đó, hãy cố gắng lắng nghe các rung động của cây đàn, từ đó sẽ phát hiện ra những âm giai khó chịu hoặc không chuẩn.