Giữa tháng 9, thông tin Dũng sĩ Hesman được tái bản sau hơn 25 năm làm nức lòng người hâm mộ truyện tranh Việt. Ra đời từ năm 1993, truyện từng tạo cơn sốt trong giới trẻ, số lượng in có những tập đạt 180 nghìn bản. Tác phẩm cũng là một trong những bộ truyện Việt hiếm hoi đạt hàng trăm tập, xuất bản liên tục bốn, năm năm.
Sức hút của Dũng sĩ Hesman đầu tiên nằm ở việc khai thác nội dung siêu anh hùng và khoa học viễn tưởng – đề tài ăn khách bấy giờ. Giới trẻ bấy giờ sôi sục với loạt truyện tranh giả tưởng từ Nhật Bản như Doraemon, Bảy viên ngọc rồng, Dấu ấn rồng thiêng… Nắm bắt xu hướng đó, Nhà xuất bản Mỹ thuật đề xuất họa sĩ Hùng Lân thực hiện một tác phẩm cùng thể loại.
Hesman và Gátcô – hai nhân vật được yêu thích nhất bộ truyện. Ảnh: Fb. |
Dũng sĩ Hesman lấy ý tưởng từ phim hoạt hình Voltron – Defender of the Universe của World Events Productions (Mỹ). Sau bốn tập đầu, tác giả Hùng Lân phóng tác thêm nhiều nhân vật. Truyện lấy bối cảnh năm 2250, khi con người thống lĩnh thiên hà Garrison. Khi đó, phe phản diện – bọn Doom – đã xâm chiếm hành tinh Arus. Biết tin, thiên hà Garrison lập tức cử một biệt đội gồm năm chiến binh là Kíp, Xtrên, Hóc, Xpêx và Plen đến ứng cứu. Họ đánh thức sức mạnh của robot Hesman và gặp gỡ thêm những anh hùng khác như nữ quái Yanđa, Huy Hùng – một người Việt Nam ở ốc đảo vũ trụ có thấu kính kỳ diệu gắn trên tay…
Nhân vật chính – robot Hesman – có ngoại hình uy dũng với năm con mãnh sư ghép lại cùng thanh gươm ánh sáng quyền lực. Theo diễn tiến của bộ truyện, Hesman phát triển về tạo hình và có chiều sâu cảm xúc hơn. Hesman được vẽ thêm cầu vai, có thêm khả năng tàng hình, thu nhỏ. Ban đầu, thanh gươm ánh sáng được tạo ra bằng cách chập lại điện trường từ hai con mãnh sư ở hai tay. Về sau, người máy có thêm bảo bối như song dao, lưỡi gươm thần bí, búa thần… Đọc Hesman, độc giả được tiếp xúc với các khái niệm còn lạ lẫm thuở ấy như robot khổng lồ, robot sinh học, sóng điện trường, nguồn điện chết, sóng siêu âm…
Ngoài Hesman, nhiều nhân vật phụ cũng tạo nên sức hút cho bộ truyện. Gátcô – một người thú được nhóm bạn Hesman thu phục – trở thành anh hùng với khả năng biến hình khổng lồ sau mỗi tiếng hét “Kiaaai”. Kíp là đội trưởng của đội bay thiên hà Garrison, võ nghệ bình thường nhưng có tấm lòng quả cảm và khả năng lãnh đạo, dẫn dắt đồng đội vượt qua nhiều hiểm nguy. Huy Hùng là nhân vật được tác giả đưa vào để bộ truyện thuần chất Việt hơn, có khả năng bay lượn và phóng điện làm tê liệt đối thủ. Yanda là nữ quái từng nhiều lần chống lại phe Hesman song sau đó đứng về phía chính nghĩa, có mối tình đẹp với Gátcô.
Bộ truyện còn chinh phục người đọc ở nội dung nhân văn. Mỗi tập truyện với 70 trang của Hesman đều xoay quanh cái thiện chống lại cái ác. Dù nhân vật có kề cận hiểm nguy ra sao, chính nghĩa sẽ chiến thắng. Với nhiều độc giả nhỏ tuổi thuở ấy, Hesman ươm mầm cho giấc mơ được làm siêu nhân, người hùng diệt ác, đem lại bình yên cho thế giới. Bộ truyện cũng đề cao lý tưởng hy sinh bản thân vì sự tồn vong nhân loại. Chẳng hạn, ở một tập, dù bị quái nhân Skép nhập vào người và chống lại nhóm Hesman, Gátcô vẫn lao vào thiên thạch, tự hủy thân xác để bảo vệ hành tinh.
Tác phẩm tranh sơn dầu về Hesman. Ảnh: Bùi Tuyền. |
Với nhiều độc giả 8x, 9x, Dũng sĩ Hesman gợi nhớ về tuổi thơ đi thuê truyện. Thập niên 1990, sách báo còn khan hiếm, mô hình quầy cho thuê truyện phát triển ở thành thị lẫn nông thôn. Dũng sĩ Hesman là một trong những đầu truyện được thiếu niên lúc bấy giờ chuyền tay nhau đọc với giá thuê khoảng 500 – 1.000 đồng mỗi cuốn. Anh Thanh Huy (sinh năm 1985, TP HCM) kể thời đấy, mỗi tập giá khoảng 3.000 đồng, khá đắt so với tiền quà sáng của học trò. Để được đọc vào thứ ba mỗi tuần, anh thường nhịn ăn điểm tâm hoặc hùn tiền thuê với bạn. Hesman lúc đó đang được ưa chuộng nên nhiều khi, anh Huy đến trễ thì người khác đã thuê mất, đành chờ vài ngày sau.
“Có khi, không chờ được, nhiều thằng năn nỉ một đứa khác để đọc ké ngay tại quán. Hai, ba cái đầu chụm lại mải mê lật từng trang truyện, cứ thế suốt vài năm mà không thấy chán”, anh Huy kể.
Trên VnExpress, khi nghe tin truyện tái bản, nhiều độc giả hồi tưởng một thời đọc Dũng sĩ Hesman trong điều kiện thiếu thốn. Độc giả Basic Material viết: “Đây là tuổi thơ của tôi, cùng Bảy viên ngọc rồng. Giai đoạn mà cái gì cũng thiếu. Tôi còn nhớ là cả nhóm bạn tôi còn phải xếp hàng, chờ đến lượt trao tay nhau mà đọc. Giờ tôi sẽ mua tặng các con trai của tôi”.Độc giả Nhật Hoàng kể: “Bộ truyện đầu tiên của cuộc đời làm mình thích truyện tranh. Đã đọc truyện này được 25 năm rồi, đến nay vẫn nhớ các nhân vật như Gátcô, Hesman, Kíp… Cứ tưởng nó là truyện của người Nhật được dịch ra, hóa ra là của Việt Nam, vinh dự quá”.
Sau hơn 20 năm, Dũng sĩ Hesman vẫn giữ được sức hút với nhiều người mê sưu tầm truyện tranh. Trong một số nhóm trên Facebook, một bộ truyện đủ 159 tập có giá tăng theo từng năm. Trên trang Dũng sĩ Hesman và những người bạn,cách đây vài năm, bộ truyện có giá khoảng bốn, năm triệu đồng, hiện được rao khoảng bảy, tám triệu một bộ, thậm chí hàng chục triệu đồng tùy vào chất lượng. Anh Đăng Quang, người cho thuê truyện ở TP HCM, cho biết hiện muốn thuê một bộ Hesman bản cũ, người mướn phải đặt cọc chín triệu đồng, đề phòng bị mất cắp, hoặc trừ khấu hao vì giấy đã cũ. Theo anh Quang, trước đây, Dũng sĩ Hesman khôngtái bản, số lượng sách khan hiếm nên giá thị trường được đẩy cao ngất ngưởng.
Họa sĩ Hùng Lân trong sự kiện giới thiệu truyện “Dũng sĩ Hesman” được tái bản ở TP HCM. Ảnh: Ngân Phạm. |
Gần đây, một nhóm họa sĩ vì yêu quý Hesman mà cho ra mắt phiên bản webtoon – một loại truyện tranh kỹ thuật số phổ biến ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Nhóm scan lại truyện và số hóa, đồng thời vẽ thêm những khung hình khiếm khuyết vì sách đã cũ, ố. Một số bạn trẻ khác lập ra dự án Hesman – The legend reborn (Hesman – Huyền thoại tái sinh) để in lại bộ truyện theo hình thức fanmade (do fan làm), chia sẻ phi lợi nhuận với sự cho phép của họa sĩ Hùng Lân. Ngoài lĩnh vực xuất bản, Hesman cũng bắt đầu trở lại qua mô hình đồ chơi, game chuyển thể, áo phông thời trang…
Hồi tháng 3, sau hơn 25 năm bộ truyện ra mắt, họa sĩ Hùng Lân vẽ thêm tập 160, gồm 70 trang màu. Nội dung tập truyện chủ yếu lý giải vì sao Gátcô hy sinh. Tác giả vẫn giữ nét vẽ quen thuộc với tình tiết được chắp nối từ các tập trước đó. Hùng Lân chia sẻ với tập cuối, ông muốn giữ lại kỷ niệm đẹp cho một thế hệ độc giả. Tác giả không định vẽ thêm vì nhận ra bộ truyện không còn hợp thời. “Quan trọng hơn, tôi muốn Hesman dừng lại như tượng đài một thời về truyện tranh trong lòng các 8x, 9x Việt”, ông chia sẻ.
Họa sĩ Hùng Lân sinh năm 1956. Ông không qua trường lớp mỹ thuật, chỉ tự mày mò vẽ. Năm 1986, tác phẩm đầu tay Người đầu tiên lên mặt trăng của ông được xuất bản. Ngoài Dũng sĩ Hesman, ông còn vẽ nhiều bộ truyện tranh khác như: Siêu nhân Việt Nam (52 tập), X-Men – Những người bạn bí ẩn (15 tập), Cô tiên xanh (140 tập), Thằng Bờm (6 tập), Cổ tích Việt Nam (24 tập)… Đến nay, số tác phẩm của ông lên tới khoảng 700 cuốn nhiều thể loại. Ông còn sáng tạo các phông chữ cho truyện tranh như HL Comic, HL Thuphap, VniComic…
Theo báo vnexpress.net